(Xây dựng) – Theo tính toán của Bộ Xây dựng, 28 tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam có khoảng 30.000 hộ nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt trong giai đoạn 2021-2030. Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 2.106 tỷ đồng.
Đoàn công tác Bộ Xây dựng đã khảo sát, đánh giá và khắc phục hậu quả đợt thiên tai lịch sử ở miền Trung trong tháng 10/2020. |
30.000 hộ nghèo tại vùng bão, lụt cần hỗ trợ nhà ở
Ngày 16/04/2022, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2399/VPCP-CN tổng kết chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/08/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo, Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến các Bộ; chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Tính theo chuẩn nghèo đa chiều quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021, số lượng hộ nghèo cần hỗ trợ nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 30.000 hộ.
Trong giai đoạn 2014 - 2021, Nhà nước đã hỗ trợ các hộ nghèo vùng bão, lụt xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg với tổng số hộ được hỗ trợ khoảng 19.032 hộ, đạt tỷ lệ khoảng 80%.
Các tỉnh, thành phố ven biển tại Việt Nam thường xuyên phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng từ các cơn bão. |
Ngoài ra, trong giai đoạn 2017-2021, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép 5 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi tham gia Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" do Quỹ Khí hậu xanh viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Đến nay, dự án đã hỗ trợ khoảng 3.922 hộ gia đình hoàn thành xây dựng nhà ở, đạt tỷ lệ 98%.
Các hộ nghèo nào sẽ được hỗ trợ xây dựng nhà ở?
Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg chỉ thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Tuy nhiên, kết quả khảo sát và báo cáo của 28 tỉnh, thành phố ven biển cho thấy, vẫn còn nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng vì bão, lụt, nhưng không có điều kiện cải thiện nhà ở, cần có sự hỗ trợ để xây dựng được nhà ở bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Do đó, Bộ Xây dựng có đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng đối với 28 tỉnh, thành ven biển.
Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ hộ nghèo trong vùng thường xuyên bị thiên tai bão, lụt xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt để có chỗ ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững.
Đối tượng áp dụng của Chương trình là các hộ gia đình được hỗ trợ trong danh sách hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) do UBND cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định có hiệu lực thi hành, đang cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra bão, lụt thuộc 28 tỉnh, thành phố và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm.
Ngoài ra, để được hỗ trợ xây dựng nhà ở, các hộ cần đáp ứng 3 tiêu chí. Tiêu chí thứ nhất là hộ gia đình chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà; hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà. Tiêu chí thứ hai là diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 8m2.
Tiêu chí thứ ba là các hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở lần này chưa được hỗ trợ về nhà ở theo các Quyết định và Chương trình hỗ trợ nhà ở đã ban hành, bao gồm Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/04/2013 về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/08/2015 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018-2025 và Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 714/QĐ-TTg; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, đề án, chính sách khác. Các hộ được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ kể trên nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà.
Khoảng 30.000 hộ nghèo tại 28 tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam cần hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt trong giai đoạn 2021-2030 (Ảnh: Hữu Tiến). |
Đối tượng ưu tiên hỗ trợ hàng đầu là các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình có người có công với cách mạng; tiếp theo là các hộ nghèo có thành viên trong hộ gia đình là đối tượng bảo trợ xã hội, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật...), hộ gia đình đang sinh sống tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn, hộ gia đình đang cư trú tại các huyện nghèo theo quy định của cấp có thẩm quyền trong từng thời kỳ và các hộ gia đình còn lại.
Mỗi hộ sẽ được hỗ trợ bao nhiêu tiền?
Nhà ở được hỗ trợ xây dựng phải có diện tích sử dụng tối thiểu 30m2. Đối với hộ độc thân, hộ già cả không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18m2. Nhà ở phải bảo đảm có nền hoặc sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng.
Trường hợp xây dựng sàn tránh bão, lụt thì diện tích xây dựng sàn tối thiểu 15m2 (đối với hộ độc thân, hộ già cả không nơi nương tựa, diện tích xây dựng sàn tối thiểu 12m2), có bố trí cầu thang lên sàn phù hợp. Thời gian sử dụng nhà ở bảo đảm từ 20 năm trở lên.
Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, đảm bảo khả năng phòng, tránh bão, lụt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy.
Kinh phí xây dựng nhà ở sẽ được huy động từ nhiều nguồn vốn như vốn hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn huy động từ cộng đồng và tham gia đóng góp của hộ gia đình; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình, mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Theo tính toán về suất đầu tư xây dựng năm 2020 do Bộ Xây dựng ban hành, để xây dựng mới một căn nhà 1 tầng diện tích 30m2 có tuổi thọ tối thiểu 20 năm tại thời điểm hiện nay, mức chi phí vật liệu và nhân công trung bình là từ 90 - 120 triệu đồng. Như vậy, nếu Ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 2/3 giá thành xây dựng căn nhà theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg thì mức hỗ trợ là từ 60 - 80 triệu đồng.
Do đó, để tăng chất lượng xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình, Bộ Xây dựng đề nghị tăng mức hỗ trợ trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước tăng lên 40 triệu đồng/hộ gia đình có thành viên là đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số; 30 triệu đồng/hộ đối với các hộ gia đình khác. Ngoài các nguồn vốn kể trên, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp, cân đối, hỗ trợ thêm 5-10 triệu đồng/hộ nếu điều kiện cho phép.
Đối với hộ gia đình xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt có nền hoặc sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng, mức vay ưu đãi tối đa 40 triệu đồng/hộ, thời hạn cho vay là 15 năm. Đối với hộ gia đình chỉ xây dựng sàn tránh bão, lụt, mức vay tối đa 30 triệu đồng/hộ, thời hạn vay là 10 năm.
Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ từ 30 – 40 triệu đồng cho các hộ nghèo cần xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt trong giai đoạn 2021-2030 (Ảnh: Nhất Linh). |
Theo báo cáo của 28 tỉnh, thành phố ven biển, hiện nay có khoảng 30.000 hộ nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Số hộ có thành viên là đối tượng bảo trợ xã hội bằng 2% tổng số đối tượng cần hỗ trợ, khoảng 600 hộ.
Như vậy, nhu cầu vốn để thực hiện chính sách trong giai đoạn 2022-2025 là khoảng 2.106 tỷ đồng. Trong đó, vốn Ngân sách Nhà nước khoảng 906 tỷ đồng; vốn cho vay ưu đãi làm nhà ở khoảng 1.200 tỷ đồng.
Việc hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt cho các hộ gia đình sẽ được thực hiện trong thời gian 4 năm, từ năm 2022-2025. Mỗi năm thực hiện hỗ trợ từ 20-30% đối tượng.
Phương Trang
Theo